“Nghiên cứu học” cho công chức Quản lý thị trường mới vào ngành
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Bài 3: Những bước chuyển mình lên ngành dọc
Bài 4: Tự sự “những nút thắt tưởng chừng không tháo gỡ”
Có lẽ khi tôi đánh máy bài viết này, tôi cũng chưa mường tượng ra mình nên viết những gì nữa, thực sự biển kiến thức thật mênh mông trong khi bản thân kiến thức, kinh nghiệm còn hạn hẹp. Chỉ biết rằng mình cần phải làm một cái gì đấy cho ACE thân yêu trong ngành, nhất là những công chức mới chập chững bước vào nghề. Tôi thực sự khâm phục tinh thần, nghị lực của nhiều bạn trẻ, họ đã dám dấn thân vào nghề QLTT, một cái nghề thực sự chưa bao giờ hết “HOT” và rất nhiều người muốn bước chân vào để cống hiến trong khi xã hội có nhiều nghề đỡ vất vả, khó khăn, hiểm nguy hơn; với tính chất hết sức nhạy cảm, quản lý đa ngành nghề, đa mặt hàng, đa lĩnh vực, địa bàn rộng lớn, đối tượng kinh doanh đủ tầng lớp trong xã hội. Ngoài yếu tố bản lĩnh, tinh thần thép và lòng yêu nghề ra thì có lẽ kiến thức là cái nôi để nuôi dưỡng, nâng tầm cá nhân và tập thể.
13 năm về trước, tôi cũng chỉ là một công chức mới như các bạn bây giờ, ngày ấy công tác quản lý thị trường có lẽ không áp lực như bây giờ nhưng đổi lại ngày đó cũng không có nhiều thời cơ, yếu tố thuận lợi như hôm nay, khi công cuộc chuyển đổi số bùng nổ và hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện, dễ tra cứu và áp dụng vì có nhiều công cụ để tìm kiếm, đối chiếu, so sánh và biết được hiệu lực của văn bản ta đang đi tìm, thậm chí hoạt động trao đổi, chia sẽ văn bản mới, kiến thức mới, quan điểm mới về cách hiểu của từng văn bản cũng hết sức thuận lợi. Mỗi cá nhân chúng ta sinh ra không ai thực sự tài giỏi để biết tất cả mọi thứ “nhân vô thập toàn”, chúng ta chỉ tiệm cận tri thức khi mỗi cá nhân biết tích cóp, chắt chiu, học hỏi kiến thức từ sách vở, từ mạng xã hội và từ chính những người đồng nghiệp thân yêu. Vậy nên các bạn trẻ hãy luôn cố gắng, không ngừng học tập, học hỏi để ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và trở thành một “tế bào” hạt nhân của cơ thể sống “QLTT”. Thôi có lẽ mình xin phép được đi vào chủ đề chính của bài viết này, đó là nhập môn “nghiên cứu học” cho công chức QLTT mới vào ngành.
Nghe cái tên thì có vẻ cao siêu và bí ẩn nhưng thực ra nó chỉ là một số chia sẽ kinh nghiệm của bản thân trong con đường nghiên cứu văn bản pháp luật phục vụ cho công việc của QLTT như các bạn đồng nghiệp mà thôi. Tôi thực sự may mắn khi trở thành “Admin” của một số nhóm kết nối công việc, kết nối sẽ chia nghiệp vụ từ những ngày đầu bước chân vào nghề cho đến tận hôm nay và bản thân đã học tập, học hỏi được rất nhiều điều từ các bậc “tiền bối”. Có lẽ khi đọc được bài viết này thì một số tiền bối, cao nhân (những anh chị đồng nghiệp đi trước có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tốt về công tác QLTT) sẽ “cười nhạo” tôi về những điều tưởng chừng như tầm thường này ai cũng biết, cần gì phải viết ra, có khi viết ra lại thành sai. Nhưng tôi tự nhủ lòng mình rằng cần phải viết, bởi lẽ chính những điều nhỏ bé, tầm thường nhất của một người lại là những điều lớn lao mà người khác đang đi mò mẫm, tìm kiếm. Vậy, tại sao mình không sẵn lòng chia sẽ để ACE công chức mới được biết đến nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Công cuộc nghiên cứu văn bản pháp luật mà tôi muốn chia sẽ có thể chia làm một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, tôi tạm sử dụng thuật ngữ “basic knowledge” để nói về nội dung đầu tiên. Đó là chúng ta cần phải có những kiến thức nền tảng về nghề QLTT mà mình đã bước chân vào. Những kiến thức mà chúng ta có được khi ngồi trên giảng đường Đại học, trên Đại học là hết sức cần thiết cho mỗi chúng ta, có thể nó không mang lại nhiều điều cho chúng ta khi sử dụng trong công việc nhưng chính những kiến thức đấy vun đắp tuy duy, sự logic, đúng đắn cho chúng ta trong suy nghĩ và hiểu thấu đáo một vấn đề. Tuy nhiên “basic knowledge” mà tôi muốn nói đến ở đây chính là những kiến thức cơ bản về nghề QLTT. Để có được nó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết tìm kiếm, tổng hợp và nắm vững các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về lực lượng QLTT như: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, quy trình kiểm tra xử lý, biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT. Những văn bản này hiện nay có rất nhiều trên mạng mà chúng ta có thể tải xuống để sử dụng và mình khuyên các bạn nên tải về các văn bản gốc (văn bản có chữ ký, con dấu của cơ quan ban hành). Vì hiện nay trên mạng vẫn có những văn bản dạng file pdf, file word không chính xác, không giống như văn bản gốc được ban hành, đây thực sự là một rủi ro trong quá trình nghiên cứu, áp dụng nếu chúng ta không tính toán đến. Có lẽ “Pháp lệnh QLTT” và Thông tư về quy trình kiểm tra, xử lý, biện pháp nghiệp vụ là những văn bản chính yếu cần phải đọc và nhớ kỹ. Tôi có thể là một người “điên rồ” nhất trong số những “kẻ điên” khi tự mình chuyển hóa “Thông tư 35” thành một bài thơ để dễ nhớ, dễ thuộc trong vòng có 01 đêm thức trắng (thông tư này là tiền thân của Thông tư 27 hiện nay). Có lẽ vậy mà biệt danh “David Nguyễn” của tôi trở thành một “nhà thơ” lúc nào mà tôi chẳng hay biết.
Thứ hai, tôi tạm sử dụng thuật ngữ “specialized” để nói về những kiến thức ngành, kiến thức chuyên sâu mà mỗi công chức mới cần có được. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến kiến thức liên quan cho công tác xử phạt vi phạm hành chính mà thôi, không đề cập đến những mảng công vụ khác nhé. Để có thể trở thành một “newbie” nhưng lại có kiến thức tốt trong công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, có lẽ cuốn văn bản đầu tiên chúng ta cần đọc, nghiên cứu kỹ đó chính là “Luật xử lý vi phạm hành chính” và các nghị định quy định, hướng dẫn thi hành. Với cẩm nang này chúng ta sẽ nắm vững các nguyên tắc, quy định trong xử phạt vi phạm hành chính về: Thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời gian, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính .v.v. Và chúng ta hết sức lưu ý những điều đầu tiên của các văn bản, nhất là các khái niệm, giải thích từ ngữ để chúng ta hiểu rõ hơn về các quy định trong những văn bản này.
Thứ ba, chúng ta cần có trong tay những văn bản chuyên ngành trong các lĩnh vực (bao gồm văn bản quy định về quản lý nhà nước và văn bản nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó). Đây là những văn bản giúp chúng ta nhận biết, xác định các hành vi vi phạm, thẩm quyền, mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Tại sao tôi lại khuyên các bạn nên đọc và có trong tay 02 loại văn bản này, bởi lẽ hiện nay các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đều được thiết kế hành vi dựa trên các văn bản quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó. Một hành vi vi phạm được quy định dựa trên những điều cấm hoặc các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Do vậy khi chúng ta xem xét một hành vi vi phạm thì chúng ta cần nắm vững hành vi đó xuất phát từ điều cấm, trách nhiệm, nghĩa vụ nào áp dụng đúng quy định pháp luật. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều tình trạng có hành vi vi phạm trong nghị định quy định xử phạt song không có quy định trong nghị định về quản lý nhà nước của lĩnh vực đó và ngược lại có quy định song không có chế tài để xử phạt. Tuyệt nhiên những tình huống này chúng ta không được áp dụng để xử phạt, có chăng chỉ là tồn tại, hạn chế của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà thôi. Nhưng để áp dụng đúng thì rõ ràng chúng ta phải có văn bản, đọc và hiểu những nội dung này.
Thứ tư, sau khi chúng ta đã có những mảng miếng kiến thức nói trên thì chúng ta sẽ tiến hành lắp ghép nó để nghiên cứu và sử dụng. Một khi chúng ta nắm rõ nguyên tắc, quy trình, quy định, hành vi thì chúng ta sẽ tự tin trong việc ra quyết định để xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các nghị định xử phạt, các bạn hết sức lưu ý về các khái niệm trong văn bản này, đối tượng áp dụng, hình thức xử phạt, mức xử phạt, phân định thẩm quyền, hiệu lực văn bản và các điều khoản chuyển tiếp. Tôi từng chứng kiến những sự vụ hết sức đáng tiếc do xử phạt sai từ các nguyên nhân bất cẩn trong việc xem thẩm quyền, mức phạt tiền quy định trong nghị định dẫn đến xử phạt sai thẩm quyền, sai mức phạt tiền. Đó xuất phát từ những chủ quan trong việc đọc quy định trong nghị định xử phạt.
Thứ năm, ngoài những nội dung chính yếu trên, thì các bạn đừng quên nắm vững các nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật trong “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” và tham khảo một số văn bản luật như: Luật hình sự, luật dân sự .v.v.
Thứ sáu, một khi chúng ta đã biết các tài liệu cần thiết cho quá trình nghiên cứu, áp dụng vào một lĩnh vực cụ thể thì chúng ta cần tìm kiếm, nghiên cứu nó trực tuyến hoặc in ra để nghiên cứu và công cụ hỗ trợ đắc lực cho tôi trong quá trình nghiên cứu, đó chính là “Thư viện pháp luật”. Tôi khuyên các bạn nên có cho mình một tài khoản trả phí để sử dụng được nhiều tiện ích hơn mà nó mang lại. Chúng ta có thể đăng ký sử dụng tài khoản chung để đỡ tốn chi phí nhé.
Thứ bảy, không quên “note” lại những điều mình đã học được từ sách vở, mạng internet, đồng nghiệp để ghi nhớ, lữu giữ được lâu dài và mang ra sử dụng nếu một ngày mình quên đi.
Thứ tám, cuối cùng hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng “cập nhật” và “nghiên cứu” khi có một văn bản pháp luật liên quan mới ban hành, sắp có hiệu lực để “reefresh” kiến thức của mình bạn nhé.
Chúc cho những công chức QLTT mới luôn chân cứng, đá mềm, sẵn sàng hành trang để dấn thân vào sự nghiệp phát triển lực lượng QLTT. Cùng đón đọc các bài viết tiếp theo của tác giả, mọi ý kiến đóng góp cho bài viết xin gửi về mail haonv1@dms.gov.vn