Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 13 Hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh.
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-CQLTT ngày 22 tháng 12 năm 2023 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 397/QĐ-QLTTBTH ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận; đến nay, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 13 Hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh.
(Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 đang tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh phân bón)
Quá trình kiểm tra phát hiện 01 Hộ kinh doanh vi phạm với các hành vi vi phạm: Buôn bán hàng hoá có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Kinh doanh hàng hoá trên nhãn có hình ảnh, chữ viết, huy chương và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 32.500.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 02 tháng 15 ngày.
Qua kiểm tra, nhận thấy một số tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình kinh doanh phân bón. Để nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, hạn chế vi phạm; cá nhân, tổ chức buôn bán phân bón cần cập nhật, tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình kinh doanh phân bón như sau:
- Quyền của tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón: Khoản 1 Điều 51 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định:
“1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền sau đây:
a) Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.”
- Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón: Khoản 2 Điều 51 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định:
“2. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:
“a) Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;
b) Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;
c) Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;
h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Nếu tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Một số hành vi vi phạm hành chính thường xảy ra trong hoạt động buôn bán phân bón như sau: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động; buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Buôn bán phân bón vi phạm nhãn hàng hóa, phân bón nhập lậu, không rõ nguốn gốc xuất xứ…
Ngoài trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón từ 01 tháng đến 15 tháng (tùy trường hợp), tịch thu phân bón nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, Buộc nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 tăng cường công tác quản lý địa bàn, tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huiyện Đức Linh, Tánh Linh; đồng thời theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật./.